Trong cơn lốc suy giảm kinh tế toàn cầu và trong nước, hàng ngàn Doanh nghiệp đã giải thể và bị phá sản. Công ty TNHH Đông nam dược Bảo Long – Tp Hà Nội một Doanh nghiệp nổi tiếng với những sản phẩm …
XEM MẠCH KÊ ĐƠN VÀ GIÁ TRỊ ĐƠN THUỐC
Viết bởi Quản trị, Ngày 2021-02-09 17:08:24
1.Xem mạch
Trên cơ thể người có nhiều chỗ động mạch nổi sát với da thịt. Người xưa đã căn cứ vào biểu tượng của mạch để đánh giá sự sống, sức khỏe thực tại và bệnh tật. Đặc biệt là đã tìm được bộ mạch “Thốn khẩu” ở hai bên cổ tay. Dựa vào trạng thái hình tượng mạch, năm 220 trước công nguyên, Đại y sư Vương Thúc Hòa đã tập hợp và xây dựng phương pháp luận giáo khoa về mạch lý một cách hoàn hảo.
Hình tượng, sức đập, trạng thái biểu hiện của mạch đã được phân thành 34 loại mạch trong đó có 27 mạch bệnh và 7 mạch tuyệt. Bảy mạch tuyệt gồm: Ngư tường, Ốc lậu, Tước trác, Đạn thạch, Hà du, Phù phí, và Giải sách. Khi phát hiện mạch của bệnh nhân thuộc bảy mạch này thì thầy thuốc thường khước từ việc cho thuốc mà còn biết được ngày giờ bệnh nhân qua đời. Dựa vào 27 trạng thái mạch bệnh và vị trí của mỗi mạch trên bộ Thốn khẩu mà chẩn đoán tình trạng bệnh lý của tạng phủ bên trong cơ thể theo: Bát cương (âm dương, hàn nhiệt, hư thực, biểu lý).
Xem mạch là bằng tinh thần và tư duy thông qua xúc giác nhạy cảm của đầu ngón tay khi tác động lên bộ mạch Thốn khẩu để khảo sát, những tín hiệu thần trí, sinh thái và tình trạng hoạt động của tạng phủ biểu hiện qua 34 thể mạch, rồi căn cứ vào lý thuyết mạch lý và kinh nghiệm để phân biệt trạng thái thường và khác thường mà chẩn đoán bệnh.
Khi xem mạch, để có kết quả chẩn đoán tốt, thầy thuốc rất cần kết hợp với 3 phép chẩn: Vọng chẩn, văn chẩn và vấn chẩn (tức là chẩn đoán qua hình sắc da, hình thái: Nghe, ngửi, nếm và hỏi bệnh nhân). Tuy nhiên, qua kiến thức uyên thâm về mạch lý kết hợp với bề dày kinh nghiệm, thầy thuốc có thể chỉ xem mạch cũng chẩn đoán được bệnh nhưng rất vất vả và mất nhiều thì giờ.
Khi đã được bệnh nhân cho biết là bị bệnh đau dạ dày, đau đầu, viêm đau khớp… nhưng vẫn phải xem mạch để nắm rõ nguyên nhân gây bệnh mà trị tận gốc và để biết bệnh ấy ở mức nặng hay nhẹ, ở thể hàn hay nhiệt (nếu ở thể hàn thì khi kê đơn phải dùng vị thuốc nóng ấm, ở thể nhiệt phải dùng vị thuốc lạnh, mát). Đồng thời còn tìm hiểu tình trạng bệnh ở biểu hay lý (vừa mới nhập vào hay đã ẩn sâu trong tạng phủ) và sự liên quan của các tạng phủ khác với căn bệnh đã biết để rồi ra phương thuốc thích hợp cho chính bệnh nhân đang được xem mạch.
Y lý Đông phương có câu: “Thầy thuốc khổ vì không biết bệnh, bệnh nhân khổ vì không biết thuốc”. Vì vậy, sự hợp tác chặt chẽ giữa thầy thuốc và bệnh nhân sẽ đem lại kết quả tối ưu trong việc khám và chữa bệnh.
Nếu bệnh nhân giấu bệnh, kể bệnh không trung thực thầy thuốc rất dễ bị nhầm, dẫn tới những điều đáng tiếc có thể xảy ra.
Đối với phương pháp xem mạch ngoài việc phân biệt được bệnh lý, sinh tử còn có thể biết rất nhiều những vấn đề mà người chưa được học mạch không thể ngờ tới. Ví như có thể biết được phụ sản mang thai trai hay gái và tình trạng của thai nhi. Chẳng hạn như:
- Mạch tay trái đi Phù đại sinh trai. Mạch tay phải đi Phù đại sinh gái. Mạch tay trái Trầm thực sinh trai. Mạch tay phải Trầm thực sinh gái.
Cả hai tay trái phải mạch đều Trầm thực thì sinh hai con trai (song thai).
Cả hai tay trái phải mạch đều Phù đại thì sinh hai con gái (song thai).
Tả thốn mạch Phù đại sinh trai. Hữu thốn mạch Trầm thực sinh gái. Bộ xích tay trái lớn hơn tay phải sinh gái. Tay trái mạch Hoạt, Thực, Đại sinh gái.
Cả hai tay phải trái đều Hoạt, Thực, Đại thì sinh song thai.
Khi xem mạch chẩn đoán xong thì thầy thuốc sẽ kê đơn.
2. Kê đơn thuốc
Nguyên tắc kê đơn thuốc dựa trên những cơ sở phương pháp luận được tóm tắt như sau:
- Dựa vào kết quả chẩn đoán bệnh thông qua tứ chẩn: Vọng, văn, vấn, thiết có thể tham khảo kết quả xét nghiệm, chụp chiếu (cận lâm sàng), rồi căn cứ vào bát cương (8 cương lĩnh trong luận trị). Thế rồi căn cứ vào tính dược của các vị thuốc, phương pháp phối ngũ giữa các vị thuốc và căn cứ vào sự tương ố (sự ghét nhau giữa các vị thuốc), tương uý (sự sợ nhau giữa các vị thuốc), tương kỵ (sự kỵ nhau giữa các vị thuốc), tương phản (sự phản nhau giữa các vị thuốc) để biện chứng và kê đơn thuốc. Phương pháp kê đơn thuốc như trên gọi là: “Biện chứng lập phương” (tức là căn cứ theo chứng bệnh rồi dựa vào trình độ kiến thức y dược của mình mà xây dựng phương thuốc).
- Đối với bệnh nhân có nhiều chứng bệnh thì thường là kê đơn chữa bệnh chính mang tính nguy cấp trước, rồi lần lượt chữa các chứng bệnh còn lại. Với thầy thuốc cao tay, giàu kinh nghiệm có thể dùng biện pháp “xuyên phương” (sử dụng nhiều phương đơn thành một phương tổng hợp để điều trị tổng thể.
- Nếu người thầy thuốc không đủ năng lực về kiến thức y dược để thực hiện phương pháp “Biện chứng lập phương” thì có thể dùng các bài thuốc lập thành sẵn có, liệt kê trong sách mà thường gọi là các bài thuốc cổ phương hoặc dựa vào bài thuốc kinh nghiệm có sẵn của người khác đã được thông qua nhiều lần điều trị có kết quả. Sau đó thêm bớt một số vị thuốc cho phù hợp với thể trạng hiện tại của bệnh nhân (việc thêm bớt phải tránh sự tương ố, tương uý, tương kỵ, tương phản giữa các vị thuốc).
- Trong sách Dược lý đã có danh mục Thập cửu uý, Thập bát phản (tức là 19 cặp vị thuốc sợ nhau và 18 cặp vị thuốc phản nhau...).
Nếu trong một thang thuốc có các vị tương uý, tương phản thì không có hiệu nghiệm và có thể gây tai biến cho bệnh nhân.
- Nếu không có năng lực phân biệt sự tương kỵ, tương phản,... của các vị thuốc thì lập lại nguyên vẹn bài thuốc có sẵn. Đó là phương pháp chung để kê đơn điều trị cho một bệnh nhân. Còn để xây dựng một bài thuốc hoàn tán thành phẩm điều trị cho nhiều bệnh nhân có sự giống nhau về một chứng bệnh thì không thể chỉ dừng lại ở đó. Bởi vì, cùng chung một bệnh (có triệu chứng giống nhau) nhưng người thì thuộc thể hàn, người thì thuộc thể nhiệt, người thì thuộc thể hư, người thì thuộc thể thực,.... Tóm lại là có 8 thể khác nhau và ngược nhau (âm, dương, hàn, nhiệt, hư, thực, biểu, lý). Phải sao tẩm, chế biến cho hợp lý với nhu cầu.
- Cái hay của thầy thuốc là tìm được phương thuốc sao cho dễ kiếm, rẻ tiền mà công hiệu cao, đồng thời khéo sao tẩm để tăng cường hiệu quả của dược liệu (gần như việc chọn thực phẩm để chế biến món ăn cho ngon và cả sự tận tụy khéo léo của người nấu).
3. Giá trị của đơn thuốc
Trong phiếu chẩn trị hay trong bệnh án được ghi những chứng bệnh hiện tại của bệnh nhân. Thông thường, các thầy thuốc thấy bệnh nhân bị nhiều chứng bệnh cùng lúc thì sẽ chữa một bệnh mang tính cấp kỳ trước, sau khi khỏi bệnh này rồi mới chữa sang bệnh khác. Vì vậy đơn thuốc đơn giản và có ít vị thuốc.
Nếu thầy thuốc có đủ năng lực, kiến thức và giầu kinh nghiệm chẩn trị thì có thể kê một đơn tổng hợp để chữa nhiều chứng bệnh cùng lúc còn gọi là: Xuyên phương (dùng nhiều phương thuốc nhỏ ghép thành một phương thuốc lớn). Thang thuốc “xuyên phương” là không đơn giản, phải có rất nhiều vị thuốc và đương nhiên giá trị cao và giá tiền nhiều hơn thang thuốc đơn giản.
Phương pháp “xuyên phương” có hiệu lực tổng thể mạnh hơn nhiều lần “đơn phương”. Ngoài ra còn giúp bệnh nhân đỡ mất nhiều thời gian điều trị và đỡ cả về kinh phí.
Khi tới chữa bệnh nhiều bệnh nhân còn yêu cầu ngoài việc chữa khỏi bệnh còn tăng cường sức khỏe hoặc còn muốn đẹp da, đen tóc…Vì vậy thang thuốc phải thêm nhiều vị và cũng làm tăng giá thành.
Bài viết liên quan
Trong cơn lốc suy giảm kinh tế toàn cầu và trong nước, hàng ngàn Doanh nghiệp đã giải thể và bị phá sản. Công ty TNHH Đông nam dược Bảo Long – Tp Hà Nội một Doanh nghiệp nổi tiếng với những sản phẩm thuốc y học cổ truyền và Mỹ phẩm thảo dược trong năm 2013 đã bị sụp đổ tan tành. Biến cố rủi ro khắc nghiêt đã phủ dày nhiều lớp và rồi “Tài tận nhân tán”, chủ doanh nghiệp là Lương y, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Khai đã bị đẩy vào vòng lao lý trong lúc tuổi đời đã ngoại lục tuần…! Những tưởng doanh nghiệp này sẽ vĩnh viễn, ấy vậy mà mới sau hơn hai năm kể từ khi Lương y Nguyễn Hữu Khai được trả tự do, với bản lĩnh vững vàng cùng nghị lực phi thường ông đã khôi phục công ty trong tro tàn đổ nát !
(Miễn phí xem mạch kê đơn, phí châm cứu, bấm huyệt và truyền công lực cho Bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn) Lương y Ts Nguyễn Hữu Khai xem mạch Kê đơn, Điều thuốc, Châm cứu, Bấm huyệt và Truyền công lực tại phòng chẩn trị Y học cổ truyền Bảo Long Đường Kinh Đào vào các ngày thứ 3 thứ 5 và thứ 7.
Ông cho rằng: Đạo lý thực sự rất thiết thực, hữu ích và không thể thiếu được trong mọi thành đạt. Bởi người đứng đầu doanh nghiệp sẽ có sức ảnh hưởng lan tỏa mạnh mẽ đến toàn bộ nhân viên. Khi ý chí, lí tưởng và nhân cách của người lãnh đạo trở thành mục tiêu phấn đấu của đa số cán bộ công nhân viên thì sẽ tạo thành một nét văn hóa độc đáo mang bản sắc riêng của công ty và đó cũng chính là thương hiệu. Với ông, ngoài ra còn phải kể đến sự yêu nghề. Gắn bó sống chết với sự nghiệp y dược và cũng có thêm một thuận lợi là con nhà võ nên ý chí, nghị lực và sức chịu đựng hơn mức bình thường.
Triệu chứng: Choáng váng, đau đầu, đột nhiên ngã lăn ra bất tỉnh, có thể méo mồm, lệch mắt, liệt bán thân.
Tế bào bạch cầu của chúng ta có khả năng bắt vi khuẩn bằng các xúc tu, khi vi khuẩn bị bắt giữ thì nhanh chóng bị “ăn thịt” và tiêu huỷ. Cuộc tấn công của các tế bào sát thủ trong trận chiến hóa học bắt đầu như sau:
Trong kế hoạch “Buôn vua bán chúa” Lã Bất Vi đã cưu mang đùm bọc kẻ thất cơ lỡ vận là Công tử Tử Sở, rồi cố ý để Tử Sở quan hệ tình ái với tỳ thiếp của mình là Triệu Cơ. Khi ấy Triệu Cơ vừa mang thai với Lã Bất Vi được hơn tháng. Bị bắt quả tang Tử Sở vô cùng ân hận đã tạ lỗi và xin chịu hình thức trừng phạt. Một lần nữa Lã Bất Vi lại ban ơn cho Tử Sở, tha trừng phạt và tác thành cho Tử Sở với Triệu Cơ nên vợ nên nên chồng. Nhờ sự tài tình, khôn khéo “Dời non lấp biển” của Lã Bất Vi sau này Tử Sở được nối ngôi báu và nghiễm nhiên bào thai trong bụng Triệu Cơ mang dòng máu của Lã Bất Vi khi ra đời sẽ là Thái tử.
Mũi là một bộ phận thuộc hệ thống hô hấp. Cấu tạo bởi các vách xương sụn mà bên trong được bao bởi lớp niêm mạc rất mỏng, nhạy cảm. Với mắt thường chúng ta không thấy cấu trúc gì phức tạp. Mũi đã không một giây ngưng nghỉ, ngày đêm tận tụy hoàn thành những công việc rất kỳ diệu: